Mua The Witcher 3: Wild Hunt – Game of the Year Edition Giá Rẻ
The Witcher 3: Wild Hunt
Giới thiệu về game
Điểm nổi bật nhất của dòng game The Witcher đó là phong cách dẫn truyện, và tất nhiên, ở The Witcher 3: Wild Hunt thì mạch truyện chính của game là thứ được đầu tư chăm chút và kỹ càng nhất. Tuy vậy, mạch truyện phụ cũng như những nhiệm vụ bên lề xuất hiện trong game không vì thế mà bị lơ là, xao nhãng.
The Witcher 3: Wild Hunt không những cuốn hút người chơi vào mạch truyện chính, mà còn thu hút họ vào những tình tiết nhỏ, những nhiệm vụ phụ với nhiều “thủ pháp” khác nhau. Đó có thể là những đoạn cắt cảnh cao trào, hoặc những đoạn đối thoại đòi hỏi người chơi phải tìm hiểu, suy nghĩ và đưa ra những phán xét, lựa chọn của riêng mình.
Đó cũng có thể là một khung cảnh điêu tàn với các nhân vật trong game than khóc ỉ ôi bên cạnh người thân bị lâm vào thế nguy, hững mẩu truyện ngắn đầy bí ẩn được chứa đựng trong những mảnh giấy, quyển sách bên vệ đường.
Toàn bộ game là những chuỗi câu hỏi xung quanh vấn đề: nếu bạn thực sự đứng ở vai trò của Geralt xứ Rivia thì bạn sẽ xử sự ra sao trong một thế giới hỗn mang và đầy chết chóc của The Witcher?
Trước những gì mà game “bày tỏ”, người chơi bên cạnh việc điều khiển cho chàng Geralt “chặt chém” quái vật, thì còn phải ngồi trên ghế, chiêm nghiệm về mọi sự vật, sự việc diễn ra trong thế giới của The Witcher 3: Wild Hunt.
Điểm làm người viết thích thú nhất chính là, khác với những trò chơi nhập vai cùng thể loại, The Witcher 3: Wild Hunt đặt người chơi không phải ở vị trí của một người hùng “cứu nhân độ thế”, càng không phải là một nhân vật quyền năng có thể phán xét bất cứ ai, mà chỉ là một gã “thợ săn” đánh thuê bình thường.
Những chuỗi nhiệm vụ “có một không hai”
Đi ra ngoài lối mòn là các nhiệm vụ đơn giản, “lượm” cái này, “lấy” cái kia, giết tên địch này, kiếm tên địch kia… The Witcher 3: Wild Hunt mạnh dạn khai phá những phong cách nhiệm vụ mới, tập trung vào việc gợi mở cho người chơi xử lý từng nhiệm vụ một, hơn là dọn cỗ ra sẵn và cho họ tự lựa chọn.
Nhiệm vụ của The Witcher 3: Wild Hunt, tuy không đến nỗi quá tự do như các tựa game nhập vai truyền thống ngày xa xưa như Fallout hay Deus Ex, nhưng bù lại, nó có nhiều yếu tố “gợi mở” để game thủ có thể dễ dàng nắm bắt một cách tự nhiên và thoải mái nhất.
Ví dụ như để đi từ A đến B, Geralt có nhiều cách khác nhau. Mỗi cách được The Witcher 3: Wild Hunt đưa ra theo kiểu gián tiếp bằng những thông tin bên vệ đường, lời thoại nhân vật trong game hay những mẩu giấy, những cuốn sách.
The Witcher 3: Wild Hunt mạnh dạn khai phá những phong cách nhiệm vụ mới, tập trung vào việc gợi mở cho người chơi xử lý từng nhiệm vụ một, hơn là dọn cỗ ra sẵn và cho họ tự lựa chọn.
Người chơi cứ liên tục tìm tòi, và vô tình bị cuốn hút vào chuỗi nhiệm vụ với phong cách “quen mà không quen, lạ cũng chẳng lạ” của The Witcher 3: Wild Hunt.
Đây là điểm mà người viết thích nhất của trò chơi. Dù The Witcher 3: Wild Hunt là một thế giới mở nhưng chẳng bao giờ mà game làm người chơi phải lâm vào thế chán chường vì chẳng có cái gì để làm, chẳng có nơi đâu để khám phá cả. Một thế giới rộng lớn, đẹp có, xấu có và lúc nào cũng có nhiều sự kiện, diễn biến thôi thúc người chơi tìm tòi và khám phá.
The Witcher 3: Wild Hunt không chỉ có lối chơi hay và cốt truyện lôi cuốn, mà còn có một nền tảng đồ họa thuộc hàng “đỉnh của đỉnh”, với hàng loạt hiệu ứng môi trường cực kỳ bắt mắt.
Từ ánh bình minh tới hoàng hôn đầy nắng vàng, từ những cơn mưa rào tới giông bão đen kịt cả bầu trời, thỉnh thoảng lại lóe lên những tia sét chói lòa, tất cả đều được thể hiện tuyệt vời tới mức “không thể tin được”!
Chưa kể, nếu bạn đọc “có đủ khả năng” bật tính năng HairWorks, trải nghiệm chân thực đó còn tăng thêm gấp bội, khi từng sợi lông, từng cọng tóc của Geralt, của Roach, của các nhân vật chính và phụ, thậm chí cả những con quái vật trong game đều lung linh, huyền ảo, và “suôn mượt” như xài Sunsilk vậy.
The Witcher 3: Wild Hunt không chỉ có lối chơi hay và cốt truyện lôi cuốn, mà còn có một nền tảng đồ họa thuộc hàng “đỉnh của đỉnh”, với hàng loạt hiệu ứng môi trường cực kỳ bắt mắt
Bên cạnh đó, mỗi nhân vật đều có giọng lồng tiếng riêng, bộc lộ tính cách đa dạng với từng trạng thái cảm xúc khác nhau của họ. Điều này khiến cho người viết cảm thấy rằng, mình đang sống trong một thế giới thật sự, với những “hỉ nộ ái ố” của những người thống khổ sống tại vùng đất phương Bắc chết chóc này.
Âm thanh môi trường của The Witcher 3: Wild Hunt cũng là một điểm nhấn khiến cho người chơi đôi lúc phải… rùng mình, khi đụng độ những trường đoạn khó nhằn đáng sợ.
Tiếng gầm rú của những con quái vật, tiếng gió hú ríu rắt trong đêm sương mờ u ám, sự tĩnh lặng đáng sợ trong các hầm ngục, cùng với hình ảnh tuyệt mỹ của The Witcher 3: Wild Hunt đã khiến cho người viết cảm giác rằng, mình đang thật sự hóa thân vào vai chàng thợ săn trừ ma diệt quỷ Geralt, trong cuộc hành trình cuối cùng của mình ở vùng đất chết chóc này.
Hệ thống kỹ năng – trang bị đầy ấn tượng
Thêm một yếu tố ấn tượng người viết nữa đó là hệ thống kỹ năng, cũng như trang bị đầy chiều sâu của The Witcher 3: Wild Hunt. Đây là yếu tố mà bất cứ tựa game nhập vai nào cũng phải có, và nhìn chung thì trò chơi đã thực hiện gần như hoàn hảo.
Tại sao lại thỏa mãn? Nó được “hưởng sái” nền tảng mà ba điểm nhấn đã kể ở trên, cách dẫn truyện – dàn xếp nhiệm vụ – hình âm tuyệt hảo, tạo ra.
Dẫn truyện làm dâng lên cảm giác lôi cuốn, sau đó nhiệm vụ (dù phần thưởng có hấp dẫn hay không) kích thích người chơi khám phá, cuối cùng là hình âm phủ lên một chiếc áo – phác họa lên một vùng đất đầy nguy hiểm và chết chóc.
Vì thế, mỗi lần hoàn thành một nhiệm vụ và nhận thưởng, khám phá thêm một vùng đất mới, lượm được một món đồ hay lên cấp độ và được tặng điểm kỹ năng, người chơi đều cảm thấy thỏa mãn tột độ.
The Witcher 3: Wild Hunt làm cho người chơi cảm giác rằng: mình đã vượt qua thử thách khó nhằn, mình “giàu có” với hàng tá đồ vật trong tay, mình “bá đạo” khi được tặng điểm kỹ năng.
Chưa dừng lại ở đó, việc gợi mở người chơi khám phá, rồi xây dựng – trang bị cho nhân vật của mình chỉ mới là bước đầu, là màn “chào mời” cho hệ thống bảng kỹ năng “bá đạo”, cùng hệ thống trang bị vật phẩm đầy chiều sâu của The Witcher 3: Wild Hunt.
Nói đến trang bị – vật phẩm, trò chơi có đến hàng trăm loại vật phẩm để cho bạn khám phá. Bạn có thể lượm chúng bên vệ đường, thực hiện nhiệm vụ để có được, mua chúng từ các “gian thương” hay chính tay mình rèn đúc. Có đủ cách để người chơi có được trang bị xịn, và dù bạn đi đường nào đi chăng nữa, thì cái chữ “nhàm chán” chắc chắn không bao giờ xuất hiện trong đầu bạn.
Thêm một yếu tố ấn tượng người viết nữa đó là hệ thống kỹ năng, cũng như trang bị đầy chiều sâu của The Witcher 3: Wild Hunt.
Bạn muốn “lượm” đồ xịn bên vệ đường? Hãy giết chết con thằn lằn khổng lồ đang canh giữ nó trước đi đã nhé! Bạn muốn thực hiện nhiệm vụ để có chúng? Vậy thì mời đi theo một “dãy” nhiệm vụ với những cung bậc cảm xúc – hỉ nộ ái ố khác nhau. Còn nếu bạn muốn tự tay mình rèn đúc? Mời bạn nghiên cứu, tìm tòi các loại nguyên liệu trong hàng trăm các loại nguyên liệu mà trò chơi đưa ra.
Còn về hệ thống kỹ năng? The Witcher 3: Wild Hunt đưa ra 3 nhánh kỹ năng chính và 1 nhánh phụ. Mỗi nhánh chính có đến 20 kỹ năng và cần đến 100 điểm kỹ năng để có thể “học” tất cả.
Tất nhiên, chẳng có ai “điên” mà cộng điểm kỹ năng vô tội vạ cả, vì ai cũng biết rằng, một tựa game nhập vai với một bảng kỹ năng như thế này chủ yếu để làm cho người chơi có thêm nhiều sự lựa chọn trong lối chơi của mình.
Bằng cách này, The Witcher 3: Wild Hunt khuyến khích người trải nghiệm tự do hoạch định chiến lược của riêng mình, để xây dựng nên một hình tượng Geralt trong mơ của họ. Tính toán và cân đối điểm mạnh – yếu là điều mà dòng game The Witcher luôn luôn khuyến khích người chơi, ngay từ phiên bản đầu tiên cho đến nay.
Tất nhiên, khi anh hùng Geralt do chính tay mình xây dựng có thể “thổi tung” bất cứ một chướng ngại nào, thì ta đây cũng lầy làm hạnh phúc và “nở mày nở mặt” rồi.
Nhiều lỗi vụn vặt không đáng có!
The Witcher 3: Wild Hunt sẽ là một tựa game nhập vai hoàn hảo nhất từ trước đến nay nếu như nó không bị dính “vài tá” lỗi vụn vặt, dù được nhà phát triển CD Projekt RED cực kỳ ưu ái và chăm chút.
Một điều may mắn là, những lỗi này chỉ thực sự gây khó chịu nếu bạn thật sự là một người chơi khó tính nhất. Đơn cử như A.I máy đôi khi trở nên… ngớ ngẩn đến “phát tội”, là một trong những hạt sạn không đáng có của The Witcher 3: Wild Hunt.
Có nhiều phương án để bạn đánh bại địch thủ. Một là nhào vào “chém lấy chém để” như thường thấy, và hai là tận dụng sự “ngu ngốc” của A.I mà tiêu diệt chúng.
Điều dễ thấy nhất là việc Geralt chỉ cần đi ra khỏi vùng đất mà kẻ địch đang canh giữ một chút thì chúng hoàn toàn… không đuổi theo nữa. Việc còn lại của ta chỉ là bắn cung hay sử dụng phép tầm xa để tiêu diệt địch dễ dàng mà không sợ bị trả đòn.
The Witcher 3: Wild Hunt sẽ là một tựa game nhập vai hoàn hảo nhất từ trước đến nay nếu như nó không bị dính “vài tá” lỗi vụn vặt
Bên cạnh A.I máy không mấy “sáng dạ”, thì một số lỗi như lỗi bắt mục tiêu, lỗi giao diện điều khiển đôi khi không “nghe lệnh” hay việc Geralt, một Witcher huyền thoại, nhảy từ đỉnh đồi xuống đất cách có… 50cm lại mất tới 1/2 bình máu, cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho người chơi mất bình tĩnh và chỉ muốn… quăng đi tay cầm của mình.
Hy vọng rằng, nhà phát triển CD Projekt RED sẽ sửa những lỗi này trong các bản vá lỗi tiếp theo, bên cạnh việc cải tiến đồ họa nhiều hơn nữa có thể.
Nguồn: http://vietgame.asia
Mua The Witcher 3: Wild Hunt – Game of the Year Edition Giá Rẻ Uy Tín