Từ khi ra mắt vào năm 2014, bộ phim hài Hàn Quốc Miss Granny đã tạo nên một cơn sốt ở khu vực châu Á. Tác phẩm đã được các nước như Trung Quốc, Nhật, Thái,… thậm chí là Đức xa xôi cũng mua bản quyền để làm lại. Vào cuối năm 2015, Miss Granny phiên bản Việt được mang tên Em Là Bà Nội Của Anh ra đời. Ngay lập tức, phim đã bị các khán giả “thích soi” đặt lên bàn cân để so sánh với hai phiên bản mà họ quen thuộc nhất: bản Hàn Quốc gốc và bản Trung – Trở Lại Tuổi 20. Hãy cùng phân tích từng khía cạnh trong mỗi phim để so sánh!
“Cuộc chiến” nhan sắc
Đây vấn đề nhạy cảm nhưng lại là yếu tố hút khán giả để họ quyết định xem phim hay không. Trong các phiên bản, dàn cast đến từ Trung Quốc “kém sắc” nhất. Dù Dương Tử San có nụ cười tươi sáng, Luhan có long lanh thì cũng không cứu nổi phần nhìn của phiên bản này. Nhân vật người bạn theo bà nội từ lúc trẻ quá già dẫn đến độ “chênh” khó chịu khi đặt cạnh Dương Tử San trẻ trung. Anh giám đốc âm nhạc trong nguyên mẫu Hàn Quốc đẹp như “nam thần” thì trong phiên bản này (Trần Bách Lâm thủ vai) lại ăn mặc lỗi thời và luộm thuộm, cũng không ra dáng người đàn ông tài năng và sớm thành công.
Nhà sản xuất âm nhạc- cháu trai ngốc và “người tình trăm năm” của bà nội.
Trung thành với bản Hàn Quốc, bản Việt Nam tuyển dàn cast khá kỹ. Miu Lê, Ngô Kiến Huy, Hứa Vỹ Văn, NSƯT Thanh Nam, NSƯT Kim Xuân, NSƯT Minh Đức… đẹp và có thần thái khá hợp vai. Nếu soi ra, khuôn mặt của Miu Lê khá giống NSƯT Minh Đức còn Ngô Kiến Huy lại từa tựa Harry Lu. Điều này có thể xem là một chi tiết thú vị để tăng hứng thú của khán giả khi xem phim.
NSƯT Minh Đức và Miu Lê có nét hao hao
Sau phim người ta có thể gọi Hứa Vỹ Văn là “nam thần” từ đây, nhất là khi chứng kiến nụ cười dịu dàng anh dành cho Thanh Nga – Miu Lê.
Đọ khả năng diễn xuất của ba “bà nội”
Đầu tiên, phải nói về nhân vật làm nên hồn phách của phim: ba “bà nội”. Xuất sắc nhất vẫn là Shim Eun Kyung. Cô tỏ ra tự nhiên, luân chuyển rất mượt giữa việc là một bà lão khó tính, bỗ bã “trá hình” gái trẻ và một cô gái vừa mới yêu. Tiếp nối tinh thần đó, Dương Tử San hóa thân cũng khá tròn vào vai. “Bà nội trẻ” của Trung Quốc nền nã, nhẹ nhàng nhưng cũng rất tinh quái là cách mà đạo diễn muốn đặc trưng cho phiên bản này. Ở phiên bản Việt Nam, Miu Lê giành được vô số lời khen ngợi khi thể hiện trọn vẹn sự tươi tắn, đầy năng lượng của một người già có lại tuổi trẻ đã mất và giờ hồ hởi tận hưởng nó. Biểu cảm của cô cũng sinh động, hấp dẫn và chấp nhận được, dù đôi lúc bị ảnh hưởng cách phồng má, trợn mắt bởi bản phim Hàn.
Các nhân vật phụ trong từng phiên bản
Nếu ở bản Hàn đất diễn được chia đều cho các diễn viên thì bản phim Trung Quốc lại không làm được điều này. Ngoài Dương Tử San màu sắc, cá tính thì các nhân vật khác đều nhạt nhòa. Giữa họ cũng không có sự liên kết đủ mạnh để thúc đẩy nội dung câu chuyện. Ngoài tình bà cháu vẫn là trọng tâm, mối tình của bà nội với anh giám đốc âm nhạc dừng ở mức làm cho có để cuộc phiêu lưu của bà nội trở nên đáng nhớ hơn. Nhân vật ông bạn già cũng bị làm hời hợt. Là người góp phần thúc đẩy nội dung đi sâu và đáng nhớ nhưng trong 1 tiếng đầu ông không gây được ấn tượng.
Mối quan hệ giữa bà và cháu làm lu mờ mọi thứ tình cảm khác ở phiên bản Trung
Ở phiên bản Việt có hai điểm trừ. Điểm trừ đầu tiên thuộc về cô Minh Đức. Cô có kiểu nền nã và điềm đạm không thể che giấu được. Chính vì thế, những lúc cô tỏ ra thô lỗ đều giống như “lên gân” để ăn khớp với Miu Lê trẻ trung có phần hấp tấp và bỗ bã. Điểm trừ thứ hai thuộc về cách đẩy đưa mối tình của Mạnh Đức và bà nội trẻ Thanh Nga: mở đầu tốt nhưng bị đuối dần về sau. Trừ điểm đó ra, mọi thứ dừng ở mức ổn. Đáng nhớ nhất là nhân vật ông Bé (NSƯT Thanh Nam) và cô Duyên ế chồng của “hoa hậu hài” Thu Trang. Hai nhân vật đọc thoại và diễn rất Việt. Từ một vai mờ nhạt trong nguyên tác và bản phim Trung Quốc, cô Duyên ế chồng đã nổi bật lên và trở thành nhân vật rất được yêu thích.
Trang phục
Trang phục của Shim Eun Kyung trong bản Hàn Quốc được xem là đẹp nhất. Hình ảnh cô nàng mặc váy phồng, áo ngắn tay và cột ngang cổ những chiếc khăn đầy màu sắc trở thành cảm hứng dồi dào cho hai bản phim làm lại.
Ở bản phim Trung Quốc còn có một sự sáng tạo nho nhỏ. Dương Tử San trở thành một quý cô thanh lịch đáng yêu trong bộ sườn xám của dân tộc. Vẫn sử dụng những trang phục giống bản phim Hàn nhưng ở đây có màu sắc rực rỡ và kiểu cách trang nhã hơn. Nó rất tiệp với tính cách thanh lịch nhưng có phần tinh quái của bà nội trẻ.
Đáng tiếc là ở bản phim Việt Nam lại không ghi điểm được ở phần này. Khán giả cảm thấy khó hiểu khi bà Đại nói giọng Bắc, sinh sống tại miền này thời trẻ (đoạn flashback nhân vật có bối cảnh rất rõ) nhưng khi “hồi xuân” lại ăn mặc y như một quý cô miền Nam trước năm 1975. Thêm vào đó, bộ đồ mà nhân vật Thanh Nga mặc ở buổi biểu diễn lớn ở cuối phim lại không được đẹp. Bộ đồ màu đỏ và có chất vải, kiểu dáng già dặn làm dáng người Miu Lê trở nên thô.
Âm nhạc
Âm nhạc là sự bùng nổ ở cả ba phiên bản. Bên cạnh việc khéo chọn những nữ diễn viên có giọng hát tốt, phần nhạc phim cũng góp phần khiến Miss Granny, Trở Lại Tuổi 20 hay Em Là Bà Nội Của Anh thành công rực rỡ. Âm nhạc đóng vai trò đỉnh cao trong lúc kể lại những năm tháng sống nghèo khổ cơ cực của các “bà nội”. Từ “White Buffterfly” đến “Trả Nợ” rồi “Còn Tuổi Nào Cho Em” đều hợp phim lạ lùng.
White Bufftefly
Trong phiên bản của Trung Quốc, nhạc của Đặng Lệ Quân được sử dụng xuyên suốt tác phẩm. Giây phút bài “Trả Nợ” được cất lên cũng là lúc khán giả xem bản phim này phải rơi nước mắt. Tuy nhiên, âm nhạc trong bản phim này khá buồn và thiếu mất chất sôi nổi trẻ trung.
Trả Nợ
Khi Việt Nam tuyên bố thực hiện Miss Granny phiên bản Việt, một trong những điều mà khán giả trung thành với nguyên tác Hàn tỏ ra nghi ngại là nhạc phim. Bài hát nào sẽ được lựa chọn? Có làm cảm xúc bùng nổ hay không? Câu trả lời là có. Nhạc được làm đặc biệt hợp với cảnh và tôn cảnh chứ không là yếu tố chỉ đạo cho khán giả phải khóc, cười như một số phim hay mắc lỗi. Từ nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh đến nhạc trẻ, tưởng không có điểm chung nhưng khi được phối đều hòa hợp với từng khung hình. Một trong những bí mật nho nhỏ của đoàn làm phim là họ đã từng có ý định mời những cái tên gạo cội trong làng nhạc để thu âm “Diễm Xưa”, “Còn Tuổi Nào Cho Em” nhưng khi Miu Lê cất giọng đã quyết định để cô hát. Đây là một quyết định bất ngờ nhưng hoàn toàn có lý. Bằng chứng là khán giả hiện đang săn lùng bản audio nhạc Trịnh do Miu Lê thể hiện nhiều hơn là OST chủ đạo của phim như Mình Yêu Từ Bao Giờ hay Em Là Bà Nội Của Anh. Rất tiếc, khi nhà sản xuất chưa tung ra thì fan cứ thòm thèm tiếc rẻ.
Mình Yêu Từ Bao Giờ
Cách xử lý câu chuyện
Ở khía cạnh này thì bản Việt làm tốt hơn cả bản Hàn và bản Trung. Ở bản phim Hàn, câu chuyện được xử lý khá chậm rãi, từ tốn, có đôi chỗ không được liền mạch lắm. Ở bản Trung Quốc thì vẫn cùng cảm giác đó, thậm chí còn thấy… chậm nhịp hơn nhưng bù lại dẫn dắt khá ổn. Bản phim Việt Nam đã sử dụng cả hai kịch bản phim này như hai nguồn tư liệu quý và rút kinh nghiệm. Trừ đi 30 phút đầu khá chậm, kể từ lúc Miu Lê xuất hiện câu chuyện đã được bùng nổ và tạo một nguồn cảm hứng trẻ trung xuyên suốt tác phẩm. Xen kẽ vào đó, những chi tiết tạo nhiều cảm xúc nhất như quan hệ của bà Đại, ông Bé và bà Xuân, cảnh quay ở bể bơi từng xuất hiện trong bản Trung được chuyển ngọt vào bản phim Việt. Nếu chưa xem bản Trung có thể nhầm tưởng là chính đạo diễn sáng tạo ra.
Về tình tiết cuối phim, ở cả ba bản phim đều có những ưu và khuyết riêng. Bản phim Hàn đẩy tình tiết lên cao rất tốt nhưng phần thoại giữa mẹ và con trai ở bản phim này chưa thực sự đáng nhớ. Qua đến bản phim Trung phần thoại có dài hơi hơn nhưng lại cảm động đến trái tim. Ở bản Việt, so với những gì đã thể hiện ở đoạn giữa thì đoạn cuối có thể hơi chóng vánh nhưng bù lại phần thoại giữa con trai và mẹ không thể chê điều gì.
Nhìn chung, khi đặt lên bàn cân, mỗi phiên bản đều có những điểm mạnh và chỗ chưa hay riêng. Bản Hàn có nguyên tác xuất sắc dù có vài chỗ còn rời rạc. Bản Trung còn yếu kém về dàn cast, cách xây dựng nhân vật và tạo không khí chung cho phim nhưng chí ít đã có một số sáng tạo nhất định về kịch bản. Thiết nghĩ nếu dựng tốt hơn và chọn nhạc tốt hơn thì đã có một bản phim hay hơn. Thực tế mà nói, thêm một lý do khiến Trở Lại Tuổi 20 của Trung Quốc không được đón nhận nồng nhiệt vì không có điểm nhấn gây chú ý ngoài mác “phim chuyển thể từ kịch bản nổi tiếng Hàn Quốc”. So với ngành công nghiệp điện ảnh hùng mạnh của nước này và một loạt tác phẩm gốc hay ho thì phim hoàn toàn lọt thỏm. Bản Việt Nam chuyển thể duyên và khéo hơn bản phim Trung Quốc và dựng phim mượt hơn bản Hàn, nhưng nếu bắt buộc phải “soi” vào chi tiết thì bản phim này sử dụng góc quay, ánh sáng giống bản phim Hàn, nội dung lại là sự rút kết từ bản Trung. Sự sáng tạo của đạo diễn, trước đó là cây bút phê bình phim sắc sảo Phan Xine (Phan Gia Nhật Linh) không nhiều. Sự sáng tạo của anh ở đây không phải là tạo ra chi tiết mới, chỉ là làm tốt hơn những gì đã tốt và sửa lại những gì chưa chuẩn sao? Điều này phải để mỗi khán giả tự suy ngẫm và có câu trả lời cho riêng mình.
Kết
Đặt thuần về khía cạnh cảm xúc khi xem xong ba bản phim có thể chọn đại diện xuất sắc nhất là Em Là Bà Nội Của Anh từ Việt Nam. Xét về kỹ năng phục dựng thì ứng viên này cũng hoàn toàn xứng đáng với vị trí số 1. Bỏ qua yếu tố sáng tạo thì có thể xếp Miss Granny vị trí số hai và Trở Lại Tuổi 20 vào vị trí số ba dù đuối hơn nhiều khi so với hai bản phim còn lại.
“Em Là Bà Nội Của Anh” được đánh giá là bản hay nhất từ chính nhà sản xuất Hàn Quốc
- Share CrocoBlock key trọn đời Download Crocoblock Free
- Cung cấp tài khoản nghe nhạc đỉnh cao Tidal Hifi – chất lượng âm thanh Master cho anh em mê nhạc.
- Quái vật Kraken có thật? – KhoaHoc.tv
- Phần mềm thiết kế đồ họa trên điện thoại chuyên nghiệp
- Chân thành cảm ơn hay Trân thành cảm ơn mới đúng chỉnh tả?
- CH Play Bị Lỗi – 5 Cách Khắc Phục Mọi Lỗi Của Ch Play
- Cách tải game Vương Giả Vinh Diệu trên máy tính và điện thoại