Thực trạng ô nhiễm môi trường nước và trách nhiệm bảo vệ nguồn nước sạch – Tin tức – Sự kiện – Ủy ban nhân dân Quận Tân Bình

Theo Trung tâm Nghiên Cứu Môi trường Cộng đồng, khoảng 70% nước thải từ các khu công nghiệp không qua xử lý mà xả thẳng ra môi trường. Ở các khu tập trung dân cư đông đúc – nổi bật là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, chắc chắn sẽ bắt gặp tình trạng nhiều nơi nước sông ngả màu đen, rác thải nổi lềnh bềnh và bốc mùi hôi thối. Tất cả đều do sự thờ ơ và ý thức chưa cao của một bộ phận người dân. Điển hình như ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở các con sông, nồng độ chất ô nhiễm trong nước vượt quá tiêu chuẩn cho phép (từ 1,5 đến 3 lần).

Thực trạng ô nhiễm môi trường nước ở nước ta đã kéo theo những hệ lụy khủng khiếp cho con người. Cứ mỗi năm các tổ chức quốc tế vẫn tiếp tục đưa ra những con số rất đáng lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở nước ta:

Khoảng 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước bẩn. Khoảng 20.000 người phát hiện bị ung thư nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước (theo Bộ Y Tế và Bộ Tài Nguyên và Môi Trường). Khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun do sử dụng nước bị không đạt chất lượng. 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng do thiếu nước sạch và vệ sinh kém (theo WHO). Khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen – hay là Arsenic vô cơ lại là một chất hóa học cực độc thường được sử dụng trong việc tạo ra các loại thuốc diệt cỏ và các loại thuốc trừ sâu. (theo Bộ Y Tế và Bộ Tài Nguyên và Môi Trường).

Hiện tại những con số này chỉ đang chững lại hoặc tăng chậm hơn chứ chưa có dấu hiệu tụt giảm.

Bảo vệ nguồn nước sạch không phải là nhiệm vụ của riêng cá nhân, tổ chức, khu vực hoặc quốc gia nào mà là của cộng đồng, của toàn thể nhân loại. Bởi nước là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định đến sự sống của toàn bộ sinh vật trên Trái Đất. Ngày nay, với tốc độ phát triển của con người, nguồn nước sạch ngày càng trở nên khan hiếm. Mỗi người trong chúng ta cần kiên quyết chung tay bảo vệ nguồn nước sạch.

Mỗi người cần phải hiểu và ý thức được việc bảo vệ môi trường nước sạch quan trọng như thế nào?

Tại sao phải bảo vệ nguồn nước sạch?

Vì nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với tất cả sự sống trên Trái Đất. Vi sinh vật, thực vật, động vật trong đó có con người đều phải có nước thì mới sống được.

Nước và không khí là hai yếu tố tạo nên sự sống. Bằng chứng là khi nghiên cứu về sự sống hoặc muốn tìm sự sống trên các hành tinh khác, thì nước và không khí là hai thứ mà các nhà khoa học tìm kiếm đầu tiên. Chỉ cần có nước và không khí, thì sự sống sẽ được hình thành.

Vai trò của nước đối với sự sống nói chung là như vậy, còn với con người thì: Con người sẽ chết nếu không có nước uống. Con người cũng không thể thực hiện các sinh hoạt hàng ngày như giặt giũ, tắm rửa… nếu không có nước. Tất cả mọi hoạt động lao động sản xuất của con người nếu không có nước cũng sẽ phải dừng lại.

Vai trò của nước đối với cơ thể

Nước vô cùng cần thiết với đời sống con người là vậy, nhưng, chính con người chúng ta lại làm suy thoái, phá hủy nguồn nước sạch từng giờ từng ngày, vì nhiều nguyên nhân khác nhau:

Dân số tăng nhanh, rác thải sinh hoạt ùn ứ, tắc nghẽn, không được tái chế mà thải trực tiếp ra môi trường đất, môi trường nước.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển, các công ty, xí nghiệp, nhà xưởng… mọc lên như nấm. Cùng với đó là rác thải, nước thải công nghiệp xả tràn lan ra sông suối, ao hồ, đất đai… Hóa chất, kim loại nặng ngấm trực tiếp vào nước sông suối ao hồ, hoặc thấm qua đất rồi làm ô nhiễm đến mạch nước ngầm.

Quá trình nông nghiệp công nghiệp hóa sử dụng tràn lan, bữa bãi, vô tội vạ thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu… làm các hóa chất độc hại thấm qua đất ảnh hưởng đến mạch nước ngầm.

Không chỉ ở Việt Nam, mà nguồn nước sạch ở cả thế giới đang bị đe dọa trầm trọng. Tại Mỹ vùng đại hồ bị ô nhiễm nặng, đặc biệt hồ Erie, Ontario độ ô nhiễm đã lên đến mức báo động. Còn ở Anh vào khoảng thế kỷ 19 trở về trước, sông Tamise rất sạch. nhưng chỉ đến giữa thế kỉ 20 nó trở thành ống cống lộ thiên.

Tại Trung Quốc, hàng năm lượng chất thải và nước thải công nghiệp thải ra ở các thành phố và thị trấn tăng từ 23,9 tỷ m3 trong năm 1980 lên 73,1 tỷ m3 trong năm 2006. Một lượng lớn chất thải chưa qua xử lí vẫn được thải vào các sông ngòi. Hậu quả là hầu hết nước ở các sông hồ ngày càng trở lên ô nhiễm.

Riêng ở Việt Nam, mỗi năm có hàng nghìn m3 dầu cặn qua sử dụng cùng rác thải sinh hoạt của người dân làng chài và khách du lịch đã tự nhiên theo nhiều cách xả xuống biển. Theo thống kê khu công nghiệp Việt Trì mỗi ngày xả hàng trăm nghìn m3 nước thải của nhà máy hóa chất, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc nhuộm, dệt,… (ước tính khoảng 168m3/ ngày đêm xuống hạ lưu sông Hồng). Ở Hà Nội các sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ có màu đen và hôi thối, đã trở thành điểm đen ô nhiễm. Ở miền Nam các khu công nghiệp tại Biên Hòa, Bình Dương, thành phố HCM xả hàng trăm tấn nước thải ra môi trường nước.

Xả thải gây ô nhiễm môi trường nước

Hình ảnh thường xuyên bắt gặp tại các vùng ven sông

Rác thải nổi lềnh bềnh trên các con sông

Hiện nay có đến hơn 1 tỷ người trên thế giới đang bị thiếu khoảng 20-50 lít nước sạch mỗi ngày để phục các nhu cầu cơ bản như ăn uống vệ sinh hàng hàng. Và con số đó dường như không có dấu hiệu giảm đi mà có xu hướng tăng lên.

Nếu chúng ta không phát triển hòa hợp với môi trường, không tìm ra phương pháp phát triển bền vững, thì chắc chắn hậu quả không sớm thì muộn chính con người chúng ta sẽ tự gánh chịu.

Bảo vệ nguồn nước sạch chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta./.

Thái Hồ Kim Phụng – Phòng Văn hóa và Thông tin quận

Nguồn:

– friend.com.vn/view.aspx?id_p=1082&parent=15&url=pages.aspx

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *