Có lẽ hiếm người nhạc sĩ nào có nhiều sáng tác về Hà Nội như nhạc sĩ Phú Quang. Những Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Mùa thu giấu em, Đâu phải bởi mùa thu… đều gợi tưởng về một hình ảnh Hà Nội vừa thân thuộc, gần gũi, vừa đẹp đẽ tràn đầy trong ký ức của những ai đã từng sinh ra và lớn lên trên đất Hà Thành.
Tuy sống tại TPHCM đã gần 20 năm nhưng nhạc sĩ Phú Quang vẫn thường xuyên bay ra Hà Nội để thực hiện những hoạt động âm nhạc và công việc kinh doanh của mình. Nhiều người vẫn nghĩ rằng, là một nhạc sĩ tài năng, lại có đầu óc kinh doanh, chắc hẳn tài sản của anh cũng phải “kếch xù” như gia tài âm nhạc hoặc không thì cũng phải có trong tay một vài căn nhà ở hai thành phố lớn.
Nhưng ít ai biết được, trong những lần ra Hà Nội trước đây, anh đều phải sống trong những căn nhà đi thuê. Khi đã ở tuổi 60, không còn muốn là “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố”, Phú Quang quyết định trở về với mảnh đất đã tạo ra nguồn cảm hứng cho anh – để tiếp tục sáng tác những ca khúc về Hà Nội.
Khá bất ngờ khi anh chọn ngôi nhà trong con ngõ nhỏ tại 27 Thụy Khuê, càng đi vào sâu bên trong, không gian như càng mở rộng ra trước tầm mắt. Vẫn với phong cách dung dị, mộc mạc, đời thường nhạc sĩ Phú Quang tâm sự về “chốn đi về” của mình.
Phú Quang – Người nghệ sĩ đã hết… lang thang! (Ảnh Nguyễn Hằng)
Chúc mừng anh đã trở về với Hà Nội và có một căn nhà thực sự của riêng mình. Anh có thể tiết lộ một chút lí do tại sao anh chọn căn nhà này được không?
Có khó tin quá không nếu nói rằng, tôi quyết định mua căn nhà này chỉ trong vòng 2 phút đầu tiên ngay khi tôi bước chân lên mảnh đất này? Một cảm giác bình yên, sự tĩnh lặng, thoát khỏi sự ồn ào, náo nhiệt của đường phố ngoài kia…
Ngồi ở đây, mặc dù chỉ cách 20m nhưng chúng ta không nghe thấy bất kỳ một tiếng động nào từ đường phố ngoài kia. Tôi muốn tạo cảm giác thoải mái cho những người bạn đến chơi nhà mình.
Ở ngôi nhà này, bạn bè tôi có thể ca hát hay thậm chí hét to cũng không sợ ảnh hưởng đến người khác. Có lẽ vì điều này, nên từ khi ra Hà Nội, tôi đã trở thành vị chủ nhà hiếu khách và thường xuyên được bạn bè ghé thăm nhà (Cười).
Tôi rất thích một câu hát của anh “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”. Ý nghĩa của câu hát đó là gì vậy?
Tôi trót dại viết một câu hát: “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”. Về sau tôi nghĩ câu này chỉ dành cho người chưa có nhà cửa, chứ ai đã có nhà thì dù lang thang đến cỡ nào rồi họ cũng phải hướng tới về ngôi nhà của mình.
Anh Y Vân đã từng viết: “Em ơi, có bao nhiêu 60 năm cuộc đời” thì đúng 60 tuổi anh ấy mất. Anh Thanh Tùng thì lại viết: “Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi – ta”, nên mọi người mới đùa là sao anh không viết hãy chôn tôi với cây đàn Piano?
Tôi cảm thấy đó dường như một “lời nguyền” vậy. Khi còn sống ở Sài Gòn, trong những lần ra Hà Nội, tôi thường phải ở khách sạn hoặc những ngôi nhà thuê. Thi thoảng lang thang trên đường, tôi mới thật sự thấm thía cái cảm xúc của “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường” (Cười).
Bức tường, nơi lưu giữ những dấu ấn của những người bạn thân thiết của Phú Quang (Ảnh: Thanh Phương)
Ngoài âm nhạc, chăm sóc chim chóc và cây cảnh là thú vui thư giãn của nhạc sĩ này (Ảnh: Thanh Phương)
Anh quan niệm thế nào về một mái nhà?
Với tôi, ngôi nhà phải thật sự là một tổ ấm với đúng ý nghĩa của nó. Ngôi nhà không cần quá cầu kỳ, kiểu cách xa hoa mà cái chính là đem lại sự thoải mái và thuận tiện nhất cho mọi thành viên trong gia đình.
Phòng làm việc của anh dùng khá nhiều đồ vật có tông màu trầm? Có phải anh dựa theo thuật phong thủy?
Tôi cố ý chọn gam màu trầm bởi vì khi bước vào căn phòng này, tôi cảm thấy ấm lòng và mang chút gì đó màu sắc của tâm linh. Với tôi, đây là nơi thiêng liêng nhất và cũng là nơi tôi cho ra đời những đứa con tinh thần của mình.
Trong phòng làm việc của mình, tôi thích nhất là bức tường kỷ niệm. Nơi đó lưu giữ những dấu ấn của những người bạn thân thiết như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tài tử Ngọc Bảo, nhạc sĩ Nguyễn Cương, Trọng Đài, họa sĩ Lê Thiết Cương, ca sĩ Mỹ Linh, Hồng Nhung…
Chính vì thế, anh có ý định “khoe” ngôi nhà và “bức tường kỷ niệm” này trong chương trình “Không gian đẹp”, phát sóng trên VTV3?
Đây là bức tường câm lặng nhưng chứa đựng nhiều câu chuyện – một mảnh tâm hồn tôi. Tôi rất muốn được chia sẻ những kỷ niệm này với khán giả truyền hình khi được chọn trong chương trình Không gian đẹp, phát sóng lúc 18 giờ 50 ngày 2/8/2008. Sau ca sĩ – diễn viên Ngô Thanh Vân, “bống Hồng Nhung”, giờ mới đến lượt “người nghệ sĩ hết lang thang” này đấy! (Cười) Xin cảm ơn anh!
Thanh Phương thực hiện
- Share CrocoBlock key trọn đời Download Crocoblock Free
- Cung cấp tài khoản nghe nhạc đỉnh cao Tidal Hifi – chất lượng âm thanh Master cho anh em mê nhạc.
- Outsourcing là gì? Ưu và nhược điểm của hình thức thuê ngoài?
- VSCO: Làm sao để lưu hình ảnh trong VSCO chất lượng cao? Ứng dụng
- Hướng dẫn cách tự làm mái bạt che nắng tự cuốn – Mái che Tâm Phát
- Photoshop Cs6 Không Mở Được File Raw, Cách Mở Hình Ảnh Vào Camera Raw Trong Photoshop
- Đánh giá nhanh và chia sẻ trải nghiệm tài khoản ABA English 2021