Câu chuyện thứ 1. Ông nội tôi.
Nhà tôi hồi còn ở quê vẫn giữ nếp cũ, hai ba thế hệ sống chung trong một nhà. Bố tôi là con trưởng nên ông bà nội ở chung với gia đình tôi. Bà nội tôi mắc bệnh hiểm nghèo, mất khi mới ngoài sáu mươi tuổi. Chỉ còn ông nội tôi. Ông đã ngoài tám mươi tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Trong làng, bằng tuổi ông tôi không còn nhiều, chỉ còn vài cụ nhưng cụ nào cũng mắt mờ, chân chậm, đi lại, ăn uống đều khó khăn. Riêng ông tôi vẫn rắn rỏi, hồng hào, hằng ngày giúp đỡ con cháu lúc thì đan lát rổ rá, lúc thì tưới tắm, cắt tỉa cây cảnh…luôn chân, luôn tay.
Một buổi chiều nọ, sau khi đi đánh vài ván cờ với mấy cụ quanh xóm, ông tôi về nhà đột ngột lên cơn sốt. Toàn thân nóng bừng, đau nhức, ông nằm thở dốc từng chặp rất khó nhọc. Bố tôi xin cơ quan nghỉ phép hai ngày đưa ông đi thăm khám nhiều nơi nhưng không ra bệnh. Được gần một tuần thì ông tôi như lả đi, cố gắng lắm cũng chỉ húp được vài muỗng cháo. Bố tôi gọi hết các cô, chú trong nhà về cùng tìm cách chữa trị cho ông. Nghe có danh y ở đâu bố tôi cũng tới năn nỉ mời bằng được họ đến nhà bắt mạch. Thuốc men đều đặn nhưng bệnh của ông tôi không bớt, có chiều hướng xấu đi. Mọi người khi ấy đều bất lực, cho rằng bệnh của người già không rõ nguyên nhân thế này thì chỉ cầm cự qua ngày. Ai nấy đều chuẩn bị tâm lí cho điều xấu nhất xảy ra.
Ông tôi xuống sức nhưng tinh thần còn tỉnh táo. Ông luôn động viên con cháu yên tâm không phải lo lắng cho ông. Rất lạ là cứ tầm chiều, khi trời chạng vạng là ông luôn nhắc con cháu đóng hết cửa sổ phòng ông đang nằm, dù khí trời mùa hè nóng hầm hập. Bố tôi nhiều lần hỏi: “Có phải bố thấy trong người lạnh phải không ạ?”, nhưng ông không nói. Đến một hôm đột nhiên ông tôi lắp bắp miệng, cuống quýt kêu con cháu đóng cửa. Thấy vậy bố tôi lại gặng hỏi, mãi ông tôi mới khẽ nói:
– Bố cứ thấy chúng nó về đứng đầy ngõ nhà mình.
– Có ai ở ngoài ngõ đâu bố – Nhìn ra ngõ xong, quay vào bố tôi nói.
– Thằng Đào, cái Tính, cái Mận với mấy đứa trong làng chiều nào cũng đứng đầu ngõ nhà mình nhìn vào chào hỏi bố – Mắt ông thoáng lo lắng một điều gì đó.
Bố tôi bất giác giật mình, lạnh sống lưng. Ông kể tên toàn những người bạn đồng trang lứa với ông, có người mất đã lâu, có người mới mất cách đây vài tháng. Lẽ nào ông nhìn thấy vong hồn chăng? Không thể. Già yếu, lo nghĩ nhiều đến cái chết mà sinh ra hoảng loạn, bố tôi quả quyết như thế.
– Bố đừng lo nghĩ nhiều quá, chúng con sẽ tìm mọi cách chữa cho bố khỏe lại.
– Bố già rồi, cũng đến lúc phải đi thôi – Ông tôi thở nhè nhẹ, khua tay ra dấu con cháu đừng quá bận tâm – Đấy, chúng nó ngoài ngõ đang réo gọi bố, tiếng cái Mận rõ lắm.
Trời nhá nhem tối, yên ắng, chỉ có tiếng gà mái gọi con vào chuồng, nhà giờ vắng người, bố tôi không khỏi có cảm giác rờn rợn.
– Bố bị bệnh lâu ngày bị ảo giác vậy thôi, không có ai kêu gọi gì đâu – Bố tôi cố nói to cho át đi nỗi lo sợ của ông.
Một tối, tầm gần mười giờ, khi cả nhà đang xem ti vi bỗng nghe tiếng ông khóc khe khẽ trong buồng. Mọi người đi vào thấy ông nước mắt giàn giụa, miệng mếu máo: mẹ ơi, mẹ…Đợi cho ông bớt xúc động, mẹ tôi mới hỏi chuyện. Ông kể:
– Vừa nãy bố gặp bà của thằng Hưng (Hưng là bố tôi), đứng ngay cửa buồng cứ khóc mà không nói câu gì. Bố gọi hai tiếng thì bà đi mất – Nói xong ông lại dấm dứt khóc.
Bố tôi thường kể cho cả nhà, đời ông nội khổ lắm. Khi ông tôi mới tám tuổi, thì ông cố theo người ta đi vào Nam kiếm việc làm. Gặp thời loạn lạc, ông cố đi biền biệt không có tin tức gì, sau này hỏi những người đi cùng, họ nói ông đã mất vì bệnh sốt rét trong rừng Tây Nguyên phương Nam xa xôi. Bốn năm sau bà cố tôi cũng mất. Bà đi chặt củi ở sườn núi Tiên Mai bị con rắn nhỏ cắn vào chân, không thấy đau, chỉ hơi rướm máu, nghĩ rắn không độc bà vẫn gánh củi về nhà. Chiều hôm ấy, đang vo gạo nấu cơm bà bị ngã quỵ ngay sân giếng. Mọi người tìm cách chữa trị nhưng đã không kịp, bà không qua khỏi.
Ông tôi khóc cạn nước mắt thương mẹ, tủi cho phận mình phải bơ vơ, côi cút không nơi nương tựa. Để kiếm miếng cơm ông phải đi ở, làm công cho nhà ổng Quản Nghi. Hằng ngày chăn trâu, cắt cỏ, giã gạo, làm đủ việc đổi lại là được miếng cơm cháy, canh cạn. Tối ngủ vật vạ nơi góc hè, xó bếp. Mãi sau này có người họ xa giúp đỡ ông mới thoát cảnh đi ở cơ cực.
Nay tuổi già đau bệnh, không hiểu vì sao ông lại toàn thấy người đã mất, nhất là lại nhìn thấy mẹ mình về trong hoàn cảnh này như một điềm gì báo trước. Bố tôi lo lắm nhưng không biết xử trí thế nào. Ông tôi ngày càng yếu đi, cứ đến xế chiều lại thì thầm như nói chuyện với ai đó, lúc khóc, lúc cười rất kì lạ. Hai con chó nhà tôi, cứ nửa đêm lại sủa ran như nhà có trộm. Nhiều lần bố tôi tỉnh dậy soi đèn nhưng không thấy gì.
Một hôm đột nhiên ông ngồi bật dậy, gọi cả nhà tôi ngồi quanh rồi ông nói:
– Đừng có mua thuốc hay bất cứ thứ gì cho bố nữa, tốn kém lắm. Trái cây với đường sữa này cho bọn trẻ nó ăn đi. Bố già rồi cũng về với tổ tiên thôi. Dù thế nào các con cũng phải sống có tình người, có đạo đức…quỷ thần hai vai luôn soi xét…- Ông còn muốn nói nữa nhưng cơn ho bật lên, bố tôi đỡ ông nằm xuống.
Từ hôm ấy, ông không ăn uống gì cả, ai hỏi cũng không nói, chỉ giơ bàn tay làm dấu. Hai ngày sau ông tôi mất, lúc đó mọi người mới hiểu ông đã biết trước ngày mình mất. Thông lệ người ta thường đốt đồ đạc của người chết, nhưng bố tôi giữ nguyên mọi thứ trong phòng của ông, bố bảo như thế con cháu luôn có được cảm giác ông vẫn còn bên cạnh che chở, bảo ban, dạy dỗ.
Sau ngày ông mất ba hôm, cứ tầm mười giờ tối có một con muỗm xanh đậu trên đỉnh màn giường ông. Thỉnh thoảng con muỗm bay lên bàn thờ rồi lại bay vào phòng ông. Hơn một tháng sau thì không thấy con muỗm xuất hiện nữa.
Câu chuyện thứ 2. Cô bạn cùng lớp.
Thời phổ thông, tôi học chung với một cô bạn rất dễ thương tên Thu Thủy. Thật trùng hợp, tôi và bạn ấy cùng thi vào trường Sư phạm, học cùng khoa, cùng lớp. Chúng tôi chơi với nhau rất thân.
Khi ra trường đi dạy, chúng tôi lại cùng dạy trong 1 huyện vùng sâu của tỉnh. Rồi chúng tôi lần lượt lập gia đình. Vợ tôi làm giáo viên, chồng Thủy làm bên xây dựng. Cùng chuyên môn nên 2 chúng tôi thường gặp nhau trao đổi công tác giảng dạy.
Bẵng đi một thời gian thì tôi nghe tin bạn ấy bị bệnh. Vợ chồng tôi sang thăm. Thủy khi đó ngày gầy gò tong teo, da xanh như tàu lá, giọng nói thều thào yếu ớt. Sau đó Thủy phải nghỉ dạy 2 năm để chữa trị. Căn bệnh này tôi đọc trên mạng được biết nó là bệnh hiếm gặp, rất nguy hiểm, hiện nay trên thế giới chưa có phác đồ điều trị dứt điểm được. Bạn bè cùng lớp chúng tôi luôn động viên để bạn lạc quan mà chiến thắng bệnh tật.
Thủy và gia đình cũng rất kiên trì, tháng nào cũng đều đặn lên bệnh viện Chợ Rẫy, thăm khám, lấy thuốc.
Cuối cùng bằng sự nỗ lực của bản thân và tốn kém một khoản không nhỏ tiền chạy chữa, Thủy dân bình phục. Bạn bè cùng lớp tôi ai cũng mừng cho bạn ấy.
Bạn ấy đi dạy trở lại, nhà trường thương cảm bệnh hiểm nghèo nên cũng ưu ái bố trí cho bạn dạy ít tiết hơn.
Tuy thế căn bệnh quái ác vẫn hoành hành, thỉnh thoảng Thủy vẫn bị ngất xỉu trên bục giảng, học trò phải xúm lại dìu cô xuống văn phòng nghỉ ngơi.
Hàng ngày, hàng giờ bạn ấy nỗ lực với cuộc chiến không ngừng nghỉ căn bệnh quái ác của mình.
Tôi và các bạn cũng chỉ biết động viên an ủi bạn bạn, không làm gì khác hơn được. Ai cũng biết bệnh này không có phương cứu chữa, chỉ kéo dài sự sống mà thôi.
Một hôm tôi vào trường Thủy dự giờ thăm lớp. Giờ giải lao tôi mời Thủy ra quán nước gần trường trò chuyện.
Trao đổi chuyên môn một hồi, bổng Thủy hỏi:
– Cậu có tin thế giới tâm linh tồn tại không?
Ngẫm nghĩ một lúc tôi nói:
– Mình tin là có, trình độ khoa học hiện nay chưa thể lí giải được nhiều điều.
– Mấy bữa nay tớ thường gặp ác mộng sợ lắm cậu ạ – Thủy trùng giọng xuống, ánh mắt nhìn xa xăm, mơ hồn lo lắng một điều gì đó.
Tôi bảo:
– Cậu đừng cả nghĩ. Cứ lạc quan lên. Bữa nay mình thấy cậu khá hơn nhiều rồi đấy. Da dẻ hồng hào, tươi tắn hơn hẳn kì trước.
Thủy dường như không để ý đến lời nói của tôi, mặt buồn bã khẽ kể:
– Cách đây 2 tuần, mình nằm mơ đi đến một nơi xa lắm, cảnh vật lạ hoắc, chưa từng thấy bao giờ. Thế rồi mình lạc vào một căn nhà gỗ, xung quanh chạm khắc nhiều hình thù kì dị. Mình đang ngơ ngác thì thấy có ba người phụ nữ mặc áo đen, quấn khăn trên đầu như các bà sơ ở nhà thờ từ phòng trong bước ra. Người đi đầu tiến lại gần mình hỏi: “Cháu tên là Huỳnh Thị Thu Thủy đúng không?”. Mình bảo: “Vâng, Cho con hỏi đây là đâu thế ạ?”. Một 1 người phụ nữ dáng cao to hơn 2 người kia nói: “Đây là nhà cháu, phòng cháu ở trong kia kì”. Nói rồi người ấy tiến lại cầm tay mình dẫn đi. Chẳng hiểu sao mình cứ thế bước đi mà không hề thắc mắc gì cả.
Họ dẫn mình vào 1 căn phòng rất rộng, khắp nơi được thắp bởi hàng trăm cây nến. Bốn bức tường treo kín những bức tranh về Thiên Chúa. Giữa gian phòng có 1 quan tài màu nâu. Người phụ nữ cao lớn chỉ tay về chiếc quan tài rồi bảo: “Chỗ cháu nằm ở kia kìa, tới đi”. Ba người phụ nữ dẫn mình tới gần rồi mở nắp quan tài ra. Mình thấy bên trong được trải vải trắng tinh. Sau đó họ đỡ mình cho nằm trong quan tài rồi đậy nắp lại. Lúc này mình mới hoảng sợ gào khóc thật to: “Ba, mẹ ơi cứu con với”. Phải một lúc lâu sau nắp quan tài được bật tung ra, ba mình từ đâu đi đí dang tay ôm mình kéo ra khỏi quan tài. Đến đấy thì mình tỉnh giấc. Giấc mơ thật đến nỗi khi mình tỉnh dậy tim đập loạn xạ, toát hết mồ hôi, dùn lúc đó phòng mình đang bật máy lạnh.
– Ui, mộng mị thôi mà – Tôi nói – Mình cũng gặp ác mộng suốt có sao đâu. Mình nghĩ về cái gì thì giấc mơ nó tái hiện ra các cảnh đó. Cậu lo nghĩ bệnh tật nhiều quá nên nó tái hiện cảnh chết chóc mà thôi. Đừng suy nghĩ nữa, cứ lạc quan lên cậu ạ.
Thủy không nói nữa, trầm ngâm nghĩ ngợi.
Một tuần sau tôi gặp Thủy trong Shop quần áo Trâm Anh. Thủy đang lựa mấy bộ đồ, thấy tôi Thủy buột miệng nói:
– Đời sống có mấy đâu, phải mặc cho thật đẹp.
– Thì đấy, cậu cứ lạc quan lên, đảm bảo với cậu không bao giờ mơ thấy ác mộng nữa đâu – Tôi cười nói.
– Mình không nghĩ ngợi gì nhiều, tối qua lại thấy ác mộng.
Rồi Thủy kể:
– Mình vẫn thấy ngôi nhà ấy, vẫn ba người phụ nữ ấy, vẫn dìu mình năm trong chiếc quan tài giữa nhà. Lần này mình gào khóc dữ dội, bỗng lửa ở đâu bùng lên cháy bao quanh quan tài. Mình đạp mạnh quá, nắp quan tài bung ra, mình nhổm dậy thì thấy rất nhiều ngu rất nhiều người thân đang đứng xung quanh ai cũng mình nghe rõ tiếng mẹ mình: “Thủy ơi, Thủy ơi”. Mình gào lên: “Mẹ ơi, ba ơi cứu con với”. Nhưng kì lại, tất cả cứ đứng khóc, không một ai vào cứu mình cả. Rồi mình tỉnh giấc.
Lần này kể xong, Thủy tươi tỉnh, không thấy lo âu như trước:
– Cậu thấy bộ này mình mặc có hợp không? Thủy giơ bộ đầm màu trắng ra hỏi tôi.
– Ừ đẹp lắm – Tôi nói
Thấy Thủy cầm trên tay bộ nào cũng màu trắng tôi bảo:
– Sao cậu lựa nhiều bộ màu trắng thế, chọn thêm các màu khác cho đa dạng đi.
– Chẳng hiểu sao, mình cứ thích màu trắng cậu ạ. Cậu ở lại chọn đò nhé, mình về trước đây.
Nói xong Thủy lặng lẽ ra về. Nhìn bóng Thủy nhỏ dần trên đường phố ồn ào náo nhiệt, tôi cảm thấy thật xót xa cho bạn ấy. Một người bạn hiền hòa, dễ mến, luôn chân thành hết lòng vì bạn bè, vậy mà giờ đây tấm thân nhỏ bé ấy ngày đêm phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Đã thế giờ ác mộng lại cứ bám riết lấy bạn ấy, giấc ngủ luôn phải hoang mang, lo sợ không được thảnh thơi, yên bình.
Ba hôm sau, tầm 9 giờ tối, có điện thoại, nhấc máy lên, giọng thằng Hùng (bạn cùng lớp tôi với Thủy) buồn bã:
– Thủy nó mất rồi mà ạ. Xe đang đưa nó từ bệnh viện Chợ Rẫy về đây. Tôi nay tụi mình sang nhà đón nó về nhé.
Tôi sững sờ bàng hoàng, như không còn tin vào tai mình nữa. Mới gặp bạn ấy đây thôi vậy mà giờ này…
Tối ấy, bạn bè, người thân đến nhà đón Thuỷ ra về trên chiếc cứu thương của bệnh viện, ai cũng ngậm ngùi thương xót.
Giờ đây họ không còn được thấy nụ cười xinh tươi, hiền hậu, dáng người nhỏ bé đầy nghị lực ấy nữa. Cuộc đời thật trớ trêu, ở hiền lại chẳng gặp lành, tai ương bất chợt ập đến cướp đi một người bạn thân thương của tôi.
Hôm đưa tiễn Thuỷ về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi và các bạn cùng lớp lặng lẽ đứng dưới hiên nhà thờ, nghe vang vọng tiếng nguyện cầu trong thánh đường mà ngậm ngùi xót xa, bạn ấy ra đi vội vàng khi tuổi đời còn quá trẻ, bỏ lại người chồng hiền hoà và 2 đứa con thơ dại.
Chiếc xe tang lặng lẽ lăn bánh ra nghĩa trang trong một buổi sáng âm u, ảm đạm.
Chúng tôi thả những nắm đất xuống huyệt mộ, nguyện cầu cho bạn về với vòng tay của Chúa, rũ bỏ bụi trần ra đi thanh thản.
Độ vài tháng sau tôi có 1 giấc mơ rất kì lạ. Tôi mơ thấy gặp rất nhiều bạn bè cùng lớp đang chơi đùa dưới sân trường cũ. Tôi kinh ngạc khi thấy Thuỷ cũng có ở đây. Tôi thầm nghĩ, Thuỷ đã mất rồi sao lại có ở đây nhỉ. Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau, tôi nắm lấy tay Thuỷ thì thấy lạnh ngắt. Tôi bèn hỏi:
– Thuỷ đã xuống cõi âm rồi sao còn ở đây.
Bạn ấy cười rồi bảo:
– Mình xin lên chơi với các cậu đấy. Nhớ các cậu quá. Cậu có sợ tớ không?
– Mình là bạn bè mà, gặp nhau là mừng rồi, sao lại sợ. Mà cậu xuống đấy có thấy thứ gì lạ không kể cho mình nghe với.
– Tớ đã xuống hẳn dưới đấy đâu mà biết, ha ha – Tiếng cười của Thuỷ lành lạnh ghê ghế thế nào ấy, không giống như khi trước.
Lúc ấy tôi bừng tỉnh, toàn thân lạnh toát, chân tay sởn gai ốc.
Có lẽ Thuỷ vẫn lưu luyến cõi trần chưa thể rời đi được. Bạn ấy báo mộng cho tôi rằng bạn ấy vẫn còn quanh quẩn đâu đây, nhìn người thân, gia đình, bạn bè từ một thế giới khác.
Câu chuyện thứ 3: Thầy chủ nhiệm
Tốt nghiệp sư phạm xong tôi được điều về một trường vùng sâu giảng dạy. Thật trùng hợp tôi dạy cùng trường với thầy chủ nhiệm cũ của tôi, thầy Đờn mới chuyển về đó.
Thầy dạy Văn, thời đi học thầy rất quý tôi, thầy vẫn luôn bảo:
– Em viết văn rất tốt, sau này có khi trở thành nhà văn cũng nên.
Tôi bảo:
– Em chẳng chuyên sâu được thứ gì, mỗi thứ biết 1 tí. Em nghĩ sau này chắc cũng chẳng thành danh ở mảng gì được.
– Phải tự tin lên chứ em. Thiên tài chỉ 1% còn 99% là mồ hôi mà. Làm cái gì cũng phải quyết tâm không ngại khó khăn.
Tôi biết thầy động viên, chứ xét bản thân tôi tự thấy chả có năng lực gì nổi trội. Văn chương thì tôi cũng có 1 tí tẹo gọi là viết được, để cho hay, cho có số má thì còn khuya.
Vì thế khi học sư phạm tôi chọn ngành Vật Lí. Ấy thế nhưng cái máu văn chương vẫn đọng lại 1 ít. Rảnh rỗi tôi lại viết 1 bài thơ hay 1 truyện ngắn nào đó để giải trí.
Thầy trò cùng trường nên ngoài nghĩa thầy trò giờ đây lại còn tình đồng nghiệp, nên tôi với thầy cứ rảnh rỗi lại đàm đạo chuyện văn chương, thế sự.
Một hôm đang uống rượu với tôi, thầy bảo:
– Bữa nay thầy uống kém lắm, làm có vài ly thôi là này mai mệt lả, bụng đau râm ran. Trước đâu có thế.
– Thầy sang bệnh viện khám thử xem.
– Tuần trước thầy khám rồi, họ bảo viêm tá tràng, cho 1 bịch thuốc, uống hoài không đỡ.
– Thầy nghỉ vài ngày lên Sài Gòn khám cho chắc. Trên đó thiết bị hiện đại, bác sĩ tay nghề giỏi chẩn đoán chính xác hơn.
Vài hôm sau, nghe tôi thày đi Sài Gòn. Vừa khám xong thầy, chưa lên xe về thầy đã gọi điện:
– Giờ không được uống rượu với em rồi, bệnh nặng em ạ.
– Bệnh nặng là bệnh gì hả thầy – Tôi gặng hỏi.
Ngần ngừ một lúc thầy mới nói, giọng trầm buồn:
– Ung thư bao tử em ạ.
– Trời, có chắc không thầy? Thầy..thầy đi khám vài nơi xem sao, có khi họ đoán nhầm đấy – Tôi hốt hoảng.
– Không nhầm đâu em ạ, thầy cũng ngờ ngờ trước khi đi khám rồi, nên không bất ngờ.
– Phát hiện sớm là chữa trị được không lo thầy ạ – Tôi an ủi thầy.
– Giai đoạn cuối rồi em ạ.
Trời ơi, tôi thầm kêu lên. Tai tôi ù đi, choáng váng khi nghe tin này, ung thư giai đoạn cuối là cầm chắc án tử rồi. Căn bệnh quái ác này khó phát hiện, khi có triệu chứng thì thường nó đã giai đoạn cuối rồi. Thật đau xót.
– Nhiều người vẫn chữa khỏi, thầy đừng lo lắng quá.
Tôi còn định động viên thêm thì thầy đã tắt điện thoại. Tôi biết giờ thầy đang buồn lắm. Nhà giáo nghèo thì tiền đâu mà chữa trị. Suốt mấy năm đi dậy thầy chỉ có được 1 căn nhà cấp 4 xây gạch thô chưa tô trát. Trong nhà chẳng có đô đạc gì đáng giá, ngoài chiếc xe Dream tàu cũ kĩ.
Từ đó bắt đầu một cuộc sống chiến đấu với bệnh tật của thầy. Chỉ vài lần hoá trị, xạ trị tóc thầy đã rụng hết. Công đoàn ngành giáo dục kêu gọi ủng hộ giúp đỡ, cũng chẳng thấm vào đâu, mỗi liều thuốc có giá vài triệu đồng thì tiền núi cũng hết. Thầy gầy quắt lại chỉ còn da bọc xương.
Tôi cũng là giáo viên nghèo, thương thầy lắm những cũng chỉ biết hàng ngày sang trò chuyện cho thầy khuây khoả, chẳng giúp được gì.
Tôi lên Facebook kêu gọi các bạn học cũ mỗi người ủng hộ một ít cho thầy nhưng cũng không thấm vào đâu.
Không đủ tiền, thầy chuyển sang uống các lá thuốc theo lời người ta mách, tôi biết những thứ ấy chỉ chữa bằng niềm tin thôi. Ung thư là căn bệnh y học hiện đại còn bó tay, mấy bài thuốc dân gian làm sao chữa khỏi được. Trừ vài trường hợp ngẫu nhiên may mắn.
Một hôm sang nhà thầy, vừa gặp tôi thầy đữa cuốn Album ảnh gia đình cho tôi xem. Giờ đến 1 tấm hình thầy hỏi tôi:
– Em có thấy gì khác biệt không?
Đây là tấm ảnh thầy chụp với mấy bạn đồng nghiệp, được ép plastic, khá cũ đã bạc màu. Mọi khuôn mặt còn rất rõ, duy nhất mặt thầy bị ố nhoè đi 1 nửa.
– Em chỉ thấy khuôn mặt thầy bị ố 1 chút, ảnh cũ nào cũng vậy mà thầy.
Thầy trầm ngâm nói:
– Cái lại là hôm qua không bị thế, chẳng hiểu sao sáng nay mặt thầy trong ảnh lại mất đi 1 nửa.
Thế thì qủa cũng lạ thật, sao không ố chỗ khác nhỉ. Tôi biết cuốn album này thầy rất quý, hầu như ngày nào cũng đem ra ngắm.
– Bố thầy mất đã lâu. Chẳng bao giờ thầy mơ thấy bố mình, thế mà tối qua mơ thấy ông ngồi uống trà với thầy. Ông còn mắng sao nhà cửa nhếch nhác thế, không dọn cho gọn gàng đi, khách khứa đến người ta cười cho.
Tôi rùng mình sợ hãi, hay là một linh cảm gì chẳng lành sao. Tôi vội nói lảng sang những chuyện vui khác cho thầy không chú tâm vào giấc mộng mị lạ đó.
Vài bữa sau tôi qua nhà, thấy thầy đang lúi húi góc vườn trồng một khóm hoa vạn thọ. Tôi lại gần giúp thầy một tay.
– Thầy vừa sang xin ông hàng xóm đấy. Hoa này đẹp và thơm thật – Thầy nói.
Quái lạ – Tôi thầm nghĩ – Thân thiết với thầy từ lâu chỉ nghe thầy nói thích hoa Thạch thảo tím, thầy có làm mấy bài thơ rất hay về loài hoa này, có khi nào thầy nói thích hoa cúc vạn thọ đâu. Có lẽ bệnh tình làm con người ta thay đổi tâm tính chăng.
Khi vào nhà tôi thấy thầy gói ghém 1 chồng sách để trên bàn. Chỉ vào chồng sách thầy bảo:
– Đây là những cuốn sách thầy mượn của em, lát nữa em đem về nhé.
– Ôi em nhiều sách lắm, thầy cứ để đây mà đọc, em tặng thầy mà.
– Ai lại thế, tính thầy chả muốn nợ nan ai thứ gì. Sống như thế cho thanh thản em ạ.
Tôi thấy ngờ ngợ điều gì đó không ổn. Đúng là thầy tính ngay thẳng, sòng phẳng, nhưng vài cuốn sách có đáng giá gì đâu, trước đây tôi đã nói tặng thầy cơ mà.
Lúc tôi ra về thầy đưa cho tôi 2 cây bút bi, bảo:
– Mai em lên lớp trao hai cây bút này cho thằng Trực và thằng Bảo nhé. Trước thầy có hứa đứa nào kiểm tra môn Văn điểm cao thầy sẽ tặng bút. Hai đứa nó viết cừ lắm, có khiếu văn chương.
Tối hôm sau vào khoảng hơn chín giờ tôi được tin thầy nhập viện. Tôi tức tốc chạy sang, nhiều đồng nghiệp cũng có mặt. Bác sĩ chỉ cho đứng ngoài không được vào phòng, họ bảo nguy kịch lắm rồi. Thầy hiệu trưởng trường tôi bảo, đưa thầy lên bệnh viện tuyến trên, còn nước còn tát. Các bác sĩ lắc đầu, đừng đi đâu nữa, tón kém tiền bạc gia đình, thầy chỉ còn cầm cự tính bằng giờ thôi. Nhiều đồng nghiệp nghe thế đã úp mặt vào tay khóc dấm dứt. Vợ thầy đứng lặng, đôi mắt buồn thẳm, cô không khóc, tôi biết cả năm nay cô đã khóc cạn nước mặt rồi, cô đã sẵn sàng đón nhận cái kết cục bi thương này từ lâu rồi. Vài cô giáo không cầm được lòng đã bật tiếng khóc.
Tôi sự nhó ra, có 1 tập truyện của tôi được in, hứa tặng thầy mà lâu rồi quên khuấy mất, mặc dù thầy đã dặn nhớ dành tặng thầy 1 cuốn.
Tôi lao về nhà, truyện tôi tặng thính giả, may mắn vẫn còn 1 cuốn. Tôi run run ký tặng ký tặng và nắn nót ghi dòng chữ “Học trò luôn mãi ghi ơn của thầy”. Lúc tôi sang bệnh viện đã hơn 10 giờ tối.
Khi ấy vợ thầy từ phòng thầy đi ra, thấy tôi cô nói:
– Thầy vừa nhắc đến em, em vào gặp thầy đi.
Tôi vội vàng bước vào:
– Em đấy à? Thầy thều thào, giọng nói yếu ớt như gió thoảng.
– Thầy sẽ ổn thôi, không sao đâu – Tôi run run nói – Em tặng sách em viết này. Em xin lỗi thầy, giờ mới nhớ ra.
– Thầy có đọc truyện em trên mạng rồi, hay lắm. Sao hôm nay bênh viện đông người thế?
Tôi ngó quanh, bệnh viện vắng lặng có ai đâu, ngoài hành lang chỉ có vài người thân và đồng nghiệp cùng trường đang vịn vào nhau lau nước mắt thôi. Tôi rùng mình ớn lạnh. Tôi nghe nói người sắp chết thường nhìn thấy vong hồn xung quanh. Những hồn ma này đến đón người chết đi.
– Thấy cứ nghỉ ngơi đi, bác sĩ bảo mai là bớt thôi.
Bỗng thầy khẽ mỉm cười, khẽ đưa cánh tay yếu ớt đua đưa, như có ý, như có ý chào tôi vì biết mình sắp sang thế giới bên kia rồi. Sau đó thầy thiếp đi không biết gì nữa.
Đúng 10h30 thầy đi.
Ngày đưa thầy về nơi an nghỉ, cả trường tôi đưa tiễn. Thầy trò khóc thương cho số phận mỏng manh của thầy, một người thầy giỏi, tâm huyết với nghề.
Tôi kính cẩn đặt quyển sách của mình trên quan tài dưới huyệt mộ, trước khi từng xẻng đất hắt lên phủ kín.
Mong thầy ở một thế giơi nào đó an nhiên, thanh thản.
Bình luận
bình luận
- Share CrocoBlock key trọn đời Download Crocoblock Free
- Cung cấp tài khoản nghe nhạc đỉnh cao Tidal Hifi – chất lượng âm thanh Master cho anh em mê nhạc.
- Hướng dẫn cách thay đổi thông tin thuê bao Viettel dễ nhất
- Khắc phục lỗi sau khi cài win 7 xong không vào được mạng
- Cách chuyển IP sang Singapore bằng Hotspot Shield
- How to root Bluestacks for PC
- Khởi nghiệp tinh gọn pdf ebook download